Cô giáo và cha mẹ trẻ có thể kết hợp cho các bé mầm non làm quen với STEM thông qua phát triển kỹ năng tình cảm xã hội (SEL) và ngược lại
Mọi người thường nghĩ STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và phát triển kỹ năng tình cảm – xã hội là hai lĩnh vực tách biệt. Tuy nhiên, có nhiều cách để cô giáo và cha mẹ dạy trẻ các khái niệm STEM thông qua phát triển kỹ năng tình cảm xã hội và ngược lại. Hai lĩnh vực này nên được tích hợp. Trong bài viết trên Psychology Today, tác giả, TS. Alice Boyes minh họa cho cách tiếp cận này thông qua năm ví dụ cụ thể.
1. Lập kế hoạch và thiết kế hoạt động STEM theo cách giảm thiểu sự lo lắng và quản lý kỳ vọng của trẻ
Học tập theo dự án là phương thức phổ biến trong các chương trình giáo dục STEM. Học tập theo dự án cũng là một cách thức rất hiệu quả giúp trẻ học cách quản lý cảm xúc. Các bé sẽ học cách chia nhỏ một nhiệm vụ đầy thách thức thành nhiều phần để quản lý sự lo lắng và kỳ vọng của trẻ.
Nếu bạn là một phụ huynh trẻ mầm non, bạn có thể áp dụng chiến học tập theo dự án theo cách để con biết cách quản lý cảm xúc. Ví dụ, con tôi và tôi cùng nhau tìm hiểu về cách lập trình cho robot đi đến đích. Bé cần chọn các thẻ lệnh để tạo ra đường đi đúng cho robot.
Vì bài tập này gây ra rất nhiều lo lắng và thất vọng cho con tôi, nên chúng tôi đã chia nó thành các bước dưới đây. Việc con tôi nhìn thấy một con đường rõ ràng dẫn đến thành quả cuối cùng của mình đã tạo ra một sự khác biệt lớn. Bé đã học được cách lập trình cho robot, nhưng cũng học cả kỹ năng quản lý dự án và cảm xúc.
Ngày 1 – Hoàn thành việc lập trình đơn giản (chỉ gồm 3 bước) cùng với mẹ.
Ngày 2 – Tự mình hoàn thành việc lập trình này mà không cần đến mẹ hỗ trợ.
Ngày 3 – Hoàn thành việc lập trình phức tạp hơn (6 bước) cùng với mẹ.
Ngày 4 – Tự mình hoàn thành việc lập trình phức tạp hơn mà không cần mẹ hỗ trợ.
Khi chia nhỏ bất kỳ dự án nào, mỗi bước phải dễ quản lý và nên chỉ cho con thấy con đường rõ ràng để đạt được mục tiêu. Lúc đầu, cha mẹ có thể chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước, sau đó trẻ có thể tự mình làm nhiều việc hơn.
2. Quan sát
Quan sát là một kỹ năng quan trọng của phương pháp khoa học và cũng một yếu tố thúc đẩy việc phát triển kỹ năng cảm xúc xã hội. Việc giúp trẻ quan sát và gọi tên cảm xúc của chính mình, quan sát và nói rõ suy nghĩ của trẻ cũng như quan sát ngôn ngữ cơ thể và các biểu hiện cảm xúc ở người khác cũng là một phần của việc trẻ kết bạn và giữ kết nối bạn bè. Cô giáo và bố mẹ cần giúp trẻ hiểu xây dựng thói quen quan sát như một kỹ năng kết hợp giữa STEM và học tập cảm xúc xã hội.
3. Phân biệt giữa bằng chứng và cảm xúc
Một thành tố khác của phương pháp khoa học là khái niệm bằng chứng. Một phần của phát triển kỹ năng tình cảm xã hội là phân biệt giữa sự thật (bằng chứng) và cảm xúc. Ví dụ, một đứa trẻ có thể cảm thấy sợ hãi quái vật (monster), nhưng bố mẹ có thể giúp trẻ thấy được không có bằng chứng nào cho thấy có quái vật hay ma quỷ đang trốn trong phòng của trẻ vào ban đêm?
4. Thí nghiệm hành vi
Xác thực một giả thuyết bằng cách thực hiện thí nghiệm là một cách tiếp cận STEM và cũng là một phần của phương pháp trị liệu thông qua nhận thức hành vi để điều trị các vấn đề cảm xúc như trầm cảm và lo lắng.
Thí nghiệm hành vi là một dạng của thí nghiệm giống như bất kỳ thí nghiệm nào khác. Ví dụ, hãy cùng trẻ dự đoán điều gì sẽ xảy ra khi bé chủ động làm quen (tự giới thiệu mình) với một đứa trẻ khác trong sân chơi? Khi bé thử chủ động làm quen như vậy, điều gì thực sự xảy ra? Đây là một thí nghiệm khoa học giống như bất kỳ thí nghiệm nào khác.
5. Tầm quan trọng của cảm giác hoàn thành nhiệm vụ trong việc duy trì tâm trạng tích cực ở trẻ
Trong liệu pháp hành vi nhận thức, các nhà tâm lý học nhấn mạnh rằng các hoạt động mang lại niềm vui và hoặc cảm giác hoàn thành là một phần của việc quản lý tâm trạng tích cực. Việc chú trọng cảm giác hoàn thành công việc hàng ngày của bạn được gọi là kích hoạt hành vi, và đây là một phương pháp cốt lõi trong điều trị trầm cảm. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy đây là một trong những thành tố hiệu quả nhất của liệu pháp hành vi nhận thức.
Chúng ta biết rằng mọi người thường cảm thấy hài lòng nhất khi một ngày của họ bao gồm sự kết hợp của các nhiệm vụ dễ, trung bình và khó, thay vì tất cả đều thuộc một loại. Cô giáo và bố mẹ của trẻ có thể dạy và làm mẫu những khái niệm này trong các hoạt động STEM với trẻ mầm non.
Bố mẹ có thể đều nghị con đánh giá riêng mức độ hài lòng và cảm giác hoàn thành mà con cảm thấy sau khi hoàn thành một hoạt động STEM, trên thang điểm từ 1-10. Ví dụ, con có thể thấy 4/10 niềm vui từ nhiệm vụ nhưng 8/10 cảm giác hoàn thành. Giúp con trẻ thấy rằng các nhiệm vụ có mức độ thử thách và niềm vui khác nhau có thể rất bổ ích.
Với bất cứ điều gì con bạn đang quan tâm, bạn có thể sử dụng chủ đề đó như một cách để dạy con các chủ đề khác. Nếu con quan tâm nhất đến STEM, bạn có thể dạy con các kỹ năng tình cảm xã hội thông qua STEM. Nếu con ít quan tâm đến STEM, bạn có thể dạy các khái niệm STEM thông qua việc dạy con các kỹ năng cảm xúc xã hội. Khi con tiếp thu và đã học được một kỹ năng trong lĩnh vực ưa thích của bé rồi thì mới nên chuyển sang chủ đề khác. Dù bạn làm theo cách nào, bé sẽ đạt được sự tự tin và kỹ năng cần thiết cả với chủ đề STEM và cả trong năng lực quản lý tình cảm của bản thân.