Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục năng lực số và phát triển tư duy máy tính cho trẻ mầm non (Phần 2)

5/5 - (3 votes)

Xu hướng giáo dục mầm non hiện đại trên thế giới đều nhấn mạnh rằng việc tích hợp năng lực số an toàn không chỉ giúp trẻ phát triển năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống số cần thiết, phù hợp với lứa tuổi trong bối cảnh xã hội số hiện đại, mà còn khơi dậy những khả năng tiềm tàng, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng trong môi trường số, trong việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.

Tại Mỹ, tư duy máy tính được đưa vào mục tiêu giáo dục phổ cập quốc gia. Trong bức thư gửi người dân Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2017, Tổng thống Barack Obama đã phát biểu: “Chúng ta đã nỗ lực hỗ trợ nhiều giáo viên đưa lập trình, thực hành và tư duy máy tính vào các lớp học, để chuẩn bị cho con cháu chúng ta sẵn sàng cho nền kinh tế thế kỷ 21”. Theo đó, khoa học máy tính được đưa vào chương trình học của tất cả các bang của Hoa Kỳ và dành cho mọi học sinh từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Các em được trang bị các kỹ năng tư duy máy tính để trở thành những người sáng tạo trong nền kinh tế kĩ thuật số và thúc đẩy nền công nghệ của đất nước. Các nhà lãnh đạo và các nhà giáo dục của Hoa Kỳ coi khoa học máy tính là một kỹ năng “cơ bản mới” cần thiết cho cơ hội phát triển kinh tế và xã hội. Các chính sách về tài chính đã được Hoa Kỳ đưa ra để hỗ trợ đào tạo giáo viên, mở rộng khả năng tiếp cận tài liệu giảng dạy, đưa Khoa học máy tính thực sự trở nên hiệu quả trong các nhà trường ngay từ cấp học mầm non.

Tại Anh, Chính phủ thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong học tập, giáo viên phải học các kỹ năng mới liên quan công nghệ nhằm cải tiến lại mối quan hệ giữa người dạy và người học trong bối cảnh mới và giải pháp đối với mầm non nhấn mạnh vào việc cho trẻ học thông qua chơi, tiếp cận và sử dụng công nghệ an toàn.

Ở Nhật Bản, các nhà giáo dục cho rằng trẻ nhỏ cần có cơ hội trải nghiệm và khám phá công nghệ ngay từ khi còn nhỏ và nâng cao kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề sáng tạo của trẻ để chuẩn bị cho cuộc sống trong một xã hội hiện đại. Theo đó, giáo viên mầm non cần có kiến thức về công nghệ, biết cách triển khai công nghệ phù hợp với sự phát triển của trẻ trong thực hiện các chương trình giáo dục khác nhau.

Tại Singapore, Chương trình giáo dục mầm non đã đặt ra những yêu cầu rất cụ thể về năng lực giải quyết vấn đề của trẻ, trong đó nhấn mạnh tập trung vào xây dựng và rèn luyện tư duy máy tính cho trẻ gồm bốn nội hàm: (1) tư duy phân tách; (2) Tư duy nhận dạng quy luật; (3) tư duy thuật toán; (4) tư duy trừu tượng hóa. Đây là những thành tố quan trọng, giúp hình thành hiệu quả năng lực giải quyết vấn đề của trẻ trong bộ năng lực số.

 

 

Bạn thấy bài viết hữu ích? Hãy cho chúng tôi phản hồi.

Vui lòng bấm vào ngôi sao để đánh giá

Đánh giá trung bình 4.9 / 5. Số phiếu bầu: 18

Chưa có đánh giá nào cho bài viết này. Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

1900 0362
Contact